Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Sửa chữa ô tô có phải công việc nặng nhọc, độc hại?

Thứ tư, 23-01-2019 | 12:50:00 PM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Công ty CP Vân Nam hoạt động trong lĩnh vực bảo hành, bảo dưỡng và sửa chữa ô tô, công nhân làm việc được chia thành thợ làm đồng (gò hàn), thợ sơn sau khi làm đồng, thợ sửa chữa gầm máy, thợ sửa chữa điện ô tô.

Đối chiếu với danh mục công việc nặng nhọc, độc hại đã được ban hành thì hiện chưa quy định công việc nặng nhọc độc hại thuộc lĩnh vực sửa chữa ô tô, chỉ có lồng ghép vào một số ngành nghề khác do tính chất công việc gần giống nhau.

Điều này gây khó khăn cho Công ty CP Vân Nam khi xác định công việc cụ thể thuộc danh mục nặng nhọc độc hại để làm thủ tục BHXH cho người lao động.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty đề nghị được hướng dẫn để thuận tiện cho hoạt động của Công ty cũng như như bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 15/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định người lao động làm các nghề, công việc ban hành theo Thông tư này và Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13/10/1995, Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996, Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996, Quyết định số 190/1999/QĐ-BLĐTBXH ngày 3/3/1999, Quyết định số 1580/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 26/12/2000, Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 18/9/2003, Thông tư số 36/2012/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2012 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì được hưởng các chế độ về bảo hộ lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội quy định tại Bộ luật Lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với lĩnh vực bảo hành, bảo dưỡng và sửa chữa ô tô của Công ty CP Vân Nam đã có một số chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại mục cơ khí thuộc Danh mục nghề, công việc năng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo các Quyết định và Thông tư của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

Theo Chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc (0)