Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Trường hợp nào bị coi là chấm dứt hợp đồng lao động trái luật?

Thứ tư, 07-09-2022 | 14:34:00 PM GMT+7 Bản in
Ông Trần Văn Tiền (Hà Nam) là nhân viên hợp đồng trong cơ sở giáo dục từ năm 2005, đến năm 2008 làm hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. Năm 2020, thành phố thông báo chấm dứt HĐLĐ theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và hướng dẫn các trường ký HĐLĐ theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP (từng tháng hoặc 3 tháng/lần).

Tháng 5/2022, thì ông Tiền được thông báo chấm dứt HĐLĐ (tính đến thời điểm này ông đã hợp đồng được 17 năm).

Ông Tiền hỏi, như vậy có đúng quy định không và ông được hưởng trợ cấp gì sau khi bị chấm dứt HĐLĐ?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Tiền hỏi như sau:

Theo Điều 4 Thông tư số 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 của Bộ Nội vụ thì, cá nhân ký hợp đồng lao động để làm những công việc theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP được chuyển sang thực hiện chế độ HĐLĐ, điều chỉnh theo quy định của pháp luật về lao động; không thuộc chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc và quỹ lương của cơ quan, tổ chức, đơn vị; không áp dụng bảng lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP (trừ trường hợp 2 bên khi ký HĐLĐ mới có thỏa thuận xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP).

Mức lương trong hợp đồng mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng (mức tiền lương hiện hưởng được xác định bằng hệ số lương hiện hưởng nhân với mức lương cơ sở cộng với các khoản phụ cấp theo đúng quy định của Đảng và của pháp luật đang hưởng tại thời điểm ký HĐLĐ mới).

Việc chi trả tiền lương, tiền công ký kết, thực hiện, thay đổi, chấm dứt, thanh lý, giải quyết tranh chấp giữa các bên thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Quy định về việc giao kết HĐLĐ

Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, HĐLĐ phải được giao kết theo một trong các loại sau đây: HĐLĐ thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng; HĐLĐ xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Khi HĐLĐ theo quy định trên hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới; trong thời gian chưa ký kết HĐLĐ mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết; nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn mà hai bên không ký kết HĐLĐ mới thì hợp đồng xác định thời hạn đã giao kết trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn;

Trường hợp hai bên ký kết HĐLĐ mới là HĐLĐ xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 1 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn.

Theo ông Trần Văn Tiền phản ánh, từ năm 2008 ông và 1 cơ sở giáo dục công lập ở TP. Phủ Lý giao kết HĐLĐ theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. Đến năm 2020 Thành phố có thông báo chấm dứt HĐLĐ theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và hướng dẫn các nhà trường ký hợp đồng theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP với thời hạn 1 tháng một lần hoặc 3 tháng một lần. Đến tháng 5/2022 thì nhà trường thông báo chấm dứt HĐLĐ với người lao động.

Trường hợp ông Trần Văn Tiền sau khi chuyển đổi việc ký kết HĐLĐ theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP sang ký kết HĐLĐ theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP thì từ năm 2020 đến tháng 5/2022 ông đã thực hiện rất nhiều HĐLĐ xác định thời hạn (1 tháng và 3 tháng).

Căn cứ quy định tại Điều 20 Bộ luật Lao động, các HĐLĐ xác định thời hạn mà ông Tiền giao kết, thực hiện đã trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn. Do không có thông tin cụ thể về lý do chấm dứt HĐLĐ với ông Tiền, vì vậy đề nghị ông Tiền đối chiếu quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019 về các trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ và thời hạn phải báo trước cho người lao động khi chấm dứt HĐLĐ để biết việc Nhà trường đơn phương chấm dứt HĐLĐ đã đúng quy định hay chưa?

Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 45, Khoản 1 và Khoản 3, Điều 48 Bộ luật Lao động, khi chấm dứt HĐLĐ với ông Tiền, nhà trường có trách nhiệm: Thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt HĐLĐ; trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của người lao động; hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu đã giữ của người lao động; cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu.

Căn cứ vào thời gian công tác, tham gia BHXH, BHTN bắt buộc, khi chấm dứt HĐLĐ ông Tiền được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động và hướng dẫn tại Điều 8 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ; được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm năm 2013; được bảo lưu thời gian đóng BHXH theo Điều 61 Luật BHXH để cộng nối khi tiếp tục tham gia BHXH ở nơi làm việc mới; hoặc nhận trợ cấp BHXH một lần theo quy định tại Điều 60 Luật này và hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 8 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

          Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

  • Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

 

Theo Báo Chính phủ

https://baochinhphu.vn/truong-hop-nao-bi-coi-la-cham-dut-hop-dong-lao-dong-trai-luat-102220905124022519.htm

Ý kiến bạn đọc (0)