Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Về áp dụng ưu đãi đầu tư đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển

Thứ bẩy, 16-04-2019 | 16:32:00 PM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: Về áp dụng ưu đãi đầu tư đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển

Tình trạng: Đã phản hồi

Đơn vị kiến nghị: Công ty TNHH Denso Việt Nam

Công văn: 0742/PTM - VP, Ngày: 12/04/2019

Nội dung kiến nghị:

Công ty TNHH Denso Việt Nam (sau đây gọi là “DMVN” hay “Công ty” hay “Chúng tôi”), địa chỉ: Lô E1, Khu Công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, xin gửi tới VCCI lời chào trân trọng nhất và xin được gửi lời cám ơn tới VCCI đã quan tâm, hỗ trợ cộng đồng các doanh nghiệp đang đầu tư và hoạt động tại Việt Nam, trong đó có DMVN trong thời gian vừa qua.

Hiện nay, chúng tôi đang gặp phải vướng mắc trong việc áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (“CNHT”) ưu tiên phát triển. Do đó, bằng văn bản này, chúng tôi mong muốn VCCI, với vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các doanh nghiệp đang hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, có kiến nghị đến ngài Thủ tướng Chính phủ Việt Nam để xem xét, tháo gỡ cho Công ty. Cụ thể như sau:

  1. CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI TRONG LĨNH VỰC CNHT ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN

Công ty chúng tôi được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 27/GP-KCN-HN do Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cấp ngày 04/10/2001, sau đó được đăng ký lại bởi Giấy Chứng nhận đầu tư số 012023000119 do Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cấp ngày 17/6/2008.

Hoạt động chính của DMVN là sản xuất, kinh doanh và thiết kế các loại phụ tùng ô tô; gia công, lắp ráp và đóng gói các loại linh kiện, phụ tùng ô tô. Các sản phẩm công ty sản xuất là các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển thuộc ngành sản xuất lắp ráp ô tô và ngành sản phẩm CNHT cho công nghiệp công nghệ cao. Toàn bộ sản phẩm sản xuất được Công ty xuất khẩu 100% theo loại hình sản xuất xuất khẩu (doanh nghiệp chế xuất).

Chúng tôi được biết, để thúc đẩy và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực CNHT ưu tiên phát triển, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ dành cho các dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển với các hình thức ưu đãi đa dạng, trong đó ưu đãi thuế TNDN là hình thức quan trọng nhất, được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

 Cụ thể, ưu đãi thuế TNDN đối với lĩnh vực sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được quy định tại Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế (Luật số 71) (hiệu lực từ 1/1/2015) với mức ưu đãi cao nhất: thuế suất 10% trong 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, Luật số 71 cũng đưa ra quy định về chuyển tiếp ưu đãi thuế để đảm bảo ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp có Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển thực hiện trước 01/01/2015 được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật số 71 cho thời gian còn lại.

Chúng tôi đã nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng về các chính sách ưu đãi, bảo đảm đầu tư của Việt Nam đối với ngành CNHT và nhận thấy rằng các chính sách ưu đãi này đã và đang khuyến khích DMVN cũng như cộng đồng doanh nghiệp tích cực đầu tư cho lĩnh vực sản xuất CNHT ưu tiên phát triển tại Việt Nam theo đúng chủ trương và mục tiêu mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã đề ra.

  1. VẤN ĐỀ VƯỚNG MẮC VÀ KIẾN NGHỊ CỦA DENSO

Với các chính sách ưu đãi nói trên, công ty chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác đã và đang tăng cường đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh để thúc đẩy ngành CNHT phát triển theo đúng chủ trương và mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra.

Theo đó, đến năm 2013, Công ty có Dự án Đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển theo quy định tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam (“Dự án ĐTMR 2013”). Năm 2017, Dự án ĐTMR 2013 này của Công ty đã được Bộ Công thương cấp Giấy xác nhận ưu đãi số 883/GXN-BCT ngày 8/2/2017 cho Dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển. Với việc được Bộ Công thương cấp Giấy xác nhận ưu đãi, chúng tôi hiểu rằng Dự án ĐTMR 2013 sẽ được thụ hưởng đầy đủ các ưu đãi mà Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã quy định tại Luật số 71, Nghị định 111 nêu trên. Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản trả lời cho doanh nghiệp chúng tôi xác nhận về quyền lợi này của Denso.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, khi áp dụng chính sách ưu đãi này trong thực tiễn, chúng tôi đang gặp phải rào cản từ cơ quan thuế khi đưa ra văn bản hướng dẫn đối với công ty chúng tôi theo hướng Dự án ĐTMR 2013 của Công ty không được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo diện sản xuất sản phẩm CNHT theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 do là dự án thành lập trước ngày 01/01/2015. (Công văn số 1010/TCT-CS ngày 26/3/2018 của Tổng cục Thuế; Công văn số 16701/CT-TTHT ngày 10/4/2018 của Cục Thuế TP. Hà Nội; Công văn 896/TCT-CS ngày 18/3/2019 của Tổng Cục Thuế).

Qua nghiên cứu và phân tích, chúng tôi nhận thấy quan điểm hướng dẫn này hoàn toàn không phù hợp với các quy định hiện hành, cả trên góc độ pháp luật thuế, pháp luật về đầu tư và chính sách phát triển ngành CNHT ưu tiên phát triển của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam. Cụ thể:

- Không đúng với quy định tại Đầu tư số 67/2014/QH13 về bảo  đảm ưu đãi đầu tư cho nhà đầu trong trường hợp thay đổi pháp luật (Điều 13 - Nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án);

- Không đúng với quy định tại Luật 71 về chuyển tiếp ưu đãi thuế TNDN (Khoản 9 Điều 1 – Trường hợp pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp có thay đổi mà doanh nghiệp đáp ứng điều kiện ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung thì doanh nghiệp được quyền lựa chọn hưởng ưu đãi về thuế suất và về thời gian miễn thuế, giảm thuế theo quy định của pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung cho thời gian còn lại);

- Không đúng với chủ trương phát triển ngành CNHT ưu tiên phát triển và mục tiêu khắc phục các bất cập hiện hành, đảm bảo tính nhất quán của chính sách ưu đãi ngành và đồng bộ với những quy định của Luật Đầu tư của Chính phủ trình Quốc hội tại Tờ trình 423/TTr-CP ngày 17/10/2014 (Tiết b và Tiết e, Điểm 1, Phần III) của Chính phủ về Dự án Luật số 71;

- Không phù hợp với cam kết thực hiện Kế hoạch hành động “Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII” nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển và thịnh vượng chung của cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

- Trái ngược với quan điểm của Bộ Công thương (Bộ Công thương đã cấp Giấy Giấy xác nhận ưu đãi số 883/GXN-BCT ngày 8/2/2017 cho Dự án ĐTMR 2013 của DMVN, là Dự án đầu tư thực hiện trước 01/01/2015);

- Trái ngược với quan điểm của Bộ Tư pháp (Bộ Tư pháp đã trả lời Công ty chúng tôi tại Công văn số 406/KTrVB-KT ngày 19/7/2018);

- Trái ngược với quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (thống nhất với ý kiến của Bộ Tư pháp tại cuộc họp với Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tại trụ sở Bộ Tư pháp trước khi Bộ Tư pháp ban hành công văn số 406/KTrVB-KT nói trên).

Quan điểm hướng dẫn này còn dẫn đến một số tác động tiêu cực như:

- Ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp trong việc thụ hưởng các ưu đãi của Chính phủ;

- Tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư tại Việt Nam, làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư vào chính sách của Nhà nước, đi ngược với quan điểm Chính phủ kiến tạo, có thể dẫn đến sự suy giảm các nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam ;

- Không nhất quán với mục tiêu của Đảng và Chính phủ Việt Nam tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh công nghiệp thuận lợi, ổn định, minh bạch, lành mạnh, bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp.

Về vấn đề này, chúng tôi còn được biết không chỉ chúng tôi mà nhiều doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển trong cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản cũng như các doanh nghiệp của Việt Nam, Hoàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc,… cũng đang gặp phải vướng mắc tương tự với Bộ Tài chính và cơ quan thuế (một số công văn tham khảo đính kèm). Nhiều tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp như Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (Kocham), Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham), Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) cũng đã nhận biết vấn đề vướng mắc này và sẽ có kiến nghị tới Chính phủ Việt Nam. Đến nay, Eurocham đã cập nhật vướng mắc này và kiến nghị Chính phủ Việt nam sớm xem xét, giải quyết trong Sách Trắng 2019 của Eurocham. Chúng tôi cũng đã trình bày vướng mắc trên với Đại sứ quán Nhật Bản và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Việt Nam và tin tưởng rằng Đại sứ quán Nhật Bản, JCCI cũng sẽ sớm có sẽ có kiến nghị tới Chính phủ Việt Nam.

Xét thấy đây là vấn đề cấp thiết, có tính ảnh hưởng lớn đến DMVN và cộng đồng các doanh nghiệp đang đầu tư, sản xuất trong lĩnh vực CNHT ưu tiên phát triển tại Việt Nam, chúng tôi kính đề nghị VCCI xem xét, có ý kiến kiến nghị tới ngài Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ Việt Nam nghiên cứu có kết luận kịp thời và phù hợp để giải quyết vướng mắc trên, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chúng tôi và cộng đồng doanh nghiệp sản xuất CNHT ưu tiên phát triển tại Việt Nam.


Đơn vị phản hồi: Bộ tài chính

Công văn: 896/TCT - CS, Ngày: 18/03/2019

Nội dung trả lời:

Tổng cục Thuế nhận được cồng văn số 32/2018/CV/DMVN ngày 20/8/2018 của Công ty TNHH Denso Việt Nam về việc áp dụng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

  • Tại khoản 9 Điều 1 Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế quy định như sau:

“3. Doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm cấp phép hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trường hợp pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp có thay đổi mà doanh nghiệp đáp ứng điều kiện ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung thì doanh nghiệp được quyền lựa chọn hưởng ưu đãi về thuế suất và về thời gian miễn thuế, giảm thuế theo quy định của pháp luật tại thời điểm cấp phép hoặc theo quy định của pháp luật mới được sửa đổi, bồ sung cho thời gian còn lại.

  • Tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 23 của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013) quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuê quy định:

“2 Doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm cấp phép hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trường hợp pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp có thay đổi mà doanh nghiệp đáp ứng điều kiện ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung thì doanh nghĩêp được quyền lựa chọn hưởng ưu đãi về thuế suất và về thời gian miễn thuế, giảm thuế theo quy định của pháp luật tại thời điểm được phép đầu tư hoặc theo quy định của pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung cho thời gian còn lại kể từ khi pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành...”

  • Tại Điều 4 Thông tư số 21/2016/TT-BTC ngày 05/02/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn hướng dẫn về ưu đãi thuế TNDN theo quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trự như sau:

“Điều 4. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp tự thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 đáp ứng các điều kiện quỵ định tại Luật số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (gọi tắt là Giấy xác nhận ưu đãi).

Trình tự thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thực hiện theo quy định tại Thông tư số 55/2015/TT-BCT ngày 30/12/2015 cùa Bộ Công thương.

Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sàn phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển là cơ sở đề áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, về mức ưu đãi, thời điểm bắt đầu áp dụng ưu đãi, việc chuyển tiếp ưu đãi thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp...”

Căn cứ các quy định nêu trên, pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định cụ thể các trường hợp được chuyền tiếp ưu đãi, không có quy định trường hợp chuyển tiếp ưu đãi đối với các dự án đã thực hiện trước 01/01/2015 thuộc lĩnh vực ưu đãi mới được bổ sung tại Luật số 71/2014/QH13 miễn thuế đối với thu nhập từ chế biển nông sản tại địa bàn khuyến khích đầu tư; ưu đãi cho dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; dự án có quy mô đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng; ưu đãi cho thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến không thuộc địa bàn khuyến khích đầu tư. Do vậy, đối với các dự án đầu tư mở rộng thực hiện tại khu công nghiệp trong giai đoạn 2009 - 2013 thì không thuộc đối tượng được chuyển tiếp hưởng ưu đãi theo diện điều kiện sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thời gian còn lại.

Đề nghị Cộng ty TNHH Denso Việt Nam căn cứ quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế nêu trên, điều kiện thực tế của doanh nghiệp và liên hệ với Cục Thuế thành phố Hà Nội đề thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế./.

Ý kiến bạn đọc (0)