Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Xác định hình thức thực hiện dự án tại công ty cổ phần

Thứ sáu, 14-09-2018 | 16:36:00 PM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Để xét một dự án có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu hay không thì cần căn cứ trên giá trị phần vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước góp trực tiếp vào tổng mức đầu tư của dự án.

Công ty CP phân phối khí thấp áp dầu khí Việt Nam là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (PVGas), có 50,5% vốn điều lệ do PVGas nắm giữ (vốn điều lệ của PVGas có khoảng 96,7% do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ), phần vốn còn lại thuộc các cổ đông ngoài Nhà nước.

Khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, Công ty thường cơ cấu nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm vốn chủ sở hữu khoảng 30%, vốn vay thương mại không bảo đảm (tín chấp) khoảng 70%.

Theo Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, đối với vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách, vốn khác thì cách thức chuẩn bị, thực hiện dự án, cách quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng, cơ quan chuyên môn về xây dựng có sự khác nhau.

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn nguyên tắc và phương pháp xác định vốn có nguồn gốc Nhà nước đối với mô hình của Công ty, nguyên tắc tính tỷ lệ phần trăm cơ cấu nguồn vốn cho dự án để phân biệt giữa nguồn vốn Nhà nước ngoài ngân sách và nguồn vốn khác trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng.

Theo Luật Đấu thầu đối với dự án đầu tư xây dựng có sử dụng vốn Nhà nước và thuộc trường hợp tỷ lệ vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước dưới 30% nhưng không quá 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án thì việc lựa chọn nhà thầu không bắt buộc phải theo quy định của Luật Đấu thầu, trường hợp đến khi quyết toán dự án hoàn thành công trình có điều chỉnh nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp vào dự án vào khoảng 40% tổng mức đầu tư.

Công ty đề nghị hướng dẫn hướng xử lý tình huống trong quá trình triển khai và phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành dự án đầu tư xây dựng phù hợp theo quy định.

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

Điểm c, Khoản 1, Điều 1 và Khoản 44, Điều 4 Luật Đấu thầu quy định phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm dự án đầu tư phát triển không thuộc quy định tại Điểm a và Điểm b khoản này có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Vốn Nhà nước bao gồm vốn ngân sách Nhà nước; công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh; vốn vay được bảo đảm bằng tài sản của Nhà nước; vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước; giá trị quyền sử dụng đất.

Theo đó, dự án đầu tư phát triển không phải của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước thì xét theo phần vốn của Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước trong tổng mức đầu tư của dự án. Nếu phần vốn của Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước chiếm từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án thì dự án đó thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.

Như vậy, để xét một dự án có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu hay không thì cần căn cứ trên giá trị phần vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước góp trực tiếp vào tổng mức đầu tư của dự án mà không xét đến vốn điều lệ hay tỷ lệ vốn góp của Nhà nước góp vào doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án.

Theo Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc (0)