Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Xác định mốc thời gian áp dụng cơ chế tự chủ

Thứ ba, 30-08-2022 | 12:04:00 PM GMT+7 Bản in
Ông Huỳnh Thanh Phước công tác tại Phòng Tài chính - Kế hoạch của 1 huyện tại TPHCM. Cơ quan ông đang tham mưu UBND huyện giao quyền tự chủ tài chính cho 2 đơn vị sự nghiệp công lập là Ban Quản lý dự án và Ban Bồi thường GPMB theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong quá trình tham mưu có phát sinh vướng mắc về mốc thời gian áp dụng cơ chế tự chủ của 2 đơn vị như sau:

Phòng ông tham mưu UBND huyện ban hành quyết định giao quyền tự chủ tài chính giai đoạn 2022- 2026 cho 2 đơn vị với thời gian hiệu lực áp dụng từ ngày 1/1/2022 (Quyết định ký vào tháng 7/2022).

Tuy nhiên có quan điểm cho rằng, thời gian áp dụng phải là từ ngày ký ban hành quyết định.

Ông Phước hỏi, đơn vị ông phải áp dụng mốc thời gian nào mới đúng theo quy định?

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Khoản 1 Điều 151 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015 của Quốc hội. Cụ thể:

"Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước trung ương; không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã."

Ngoài ra, tại Điểm a Khoản 2 Điều 152 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: "Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp:

a) Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý;".

Về thời gian giao quyền tự chủ tài chính cho 2 đơn vị sự nghiệp công lập của UBND huyện Nhà Bè là Ban Quản lý dự án và Ban Bồi thường GPMB, đề nghị thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 40 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập:

"Từ năm 2022, các đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định tại Điều 35 của Nghị định này và các quy định sau:

a) Đến ngày 31 tháng 3 năm 2022, đơn vị nhóm 3 và đơn vị nhóm 4 thực hiện báo cáo cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt phương án tự chủ tài chính;

b) Đến ngày 30 tháng 6 năm 2022, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phê duyệt phương án tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp.".

Theo đó, ông nghiên cứu các quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác (nếu có) để tham mưu cho Lãnh đạo nơi ông đang công tác căn cứ xác định mốc thời gian áp dụng cơ chế tự chủ của hai Ban theo đúng quy định của pháp luật.

 

Theo Mai Chi (Báo Chính phủ)

https://baochinhphu.vn/xac-dinh-moc-thoi-gian-ap-dung-co-che-tu-chu-10222082614565522.htm

Ý kiến bạn đọc (0)