Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

HASMEA: “Cánh tay” đắc lực cho doanh nghiệp

Thứ năm, 25-12-2014 | 08:55:00 AM GMT+7 Bản in
Tối nay (25/12), Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội (HASMEA) và Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội sẽ phối hợp tổ chức chương trình “Đêm Doanh nghiệp 2014”. Báo Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội nhân sự kiện này.


Ông Mạc Quốc Anh
- Được biết Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội sắp tổ chức chương trình “Đêm Doanh nghiệp 2014”. Ông có thể nói rõ hơn về chương trình này?

“Đêm Doanh nghiệp 2014” là chương trình được tổ chức thường niên, đến nay đã 11 năm. Chương trình do Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội và Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội phối hợp tổ chức và sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội vào hồi 20h tối nay (25/12) tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Trong chương trình “Đêm doanh nghiệp 2014” các doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích nổi bật sẽ được vinh dự đón nhận những phần thưởng cao quý cấp Nhà nước trao tặng Huân chương lao động, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, gần 200 doanh nghiệp và doanh nhân nhận bằng khen của UBND TP Hà Nội, các đơn vị, cá nhân tiêu biểu nhận giấy khen và kỷ niệm chương của Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội. Sự ghi nhận và tôn vinh của Đảng - Nhà nước - Thành phố là phần thưởng xứng đáng cho đóng góp về kinh tế, xã hội và cộng đồng của những doanh nhân - doanh nghiệp này.

Chương trình cũng được xem là một cuộc hội ngộ lớn của hơn 600 doanh nghiệp Thủ đô để giao lưu, chia sẻ những bí quyết, cơ hội kinh doanh và cùng nhau tìm hướng liên kết, phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Chương trình “Đêm doanh nghiệp 2014”, bên cạnh việc ghi nhận, đánh giá những đóng góp không ngừng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp thủ đô, ban tổ chức còn sắp xếp một cuộc tọa đàm để các vị đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia kinh tế, doanh nhân tiêu biểu, các diễn giả có uy tín chia sẻ tri thức và kinh nghiệm với các vị khách mời. Với nội dung “Đối thoại kinh tế Việt Nam - Triển vọng 2015”, ban tổ chức hy vọng sẽ tạo nên một không gian giao lưu rộng mở, hữu ích đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình.

- Năm qua tiếp tục là một năm khó khăn đối với doanh nghiệp cả nước nói chung và doanh nghiệp tại Hà Nội nói riêng. Hiệp hội đã có những hoạt động gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đứng vững và phát triển trong bối cảnh nói trên, thưa ông?

Với vai trò là “cánh tay nối dài”, là “bà đỡ” cho doanh nghiệp, Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội đã tập trung vào 3 vấn đề lớn nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đứng vững và phát triển. Thứ nhất là vấn đề liên quan đến vốn. Trong năm qua, Hiệp hội đã tổ chức nhiều chương trình hội nghị, hội thảo liên quan đến vốn nhằm tìm kiếm các giải pháp huy động vốn, tìm nguồn vốn mới, và tái cấu trúc để huy động vốn. Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng có hai quyết định về hỗ trợ lãi suất vốn vay và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư với lãi suất 0,2%/tháng, tức là lãi suất chỉ 2,4%/năm. Ngoài việc hạ lãi suất của ngân hàng nhà nước, các doanh nghiệp cũng được hưởng lãi suất từ vốn vay của thành phố. Khi có quyết định về việc hạ lãi suất vốn vay, Hiệp hội đã tổ chức các chương trình để hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc cho các doanh nhân, doanh nghiệp. Nếu vướng mắc vẫn chưa được giải đáp thoả đáng, Hiệp hội mời các sở, ban ngành, các cơ quan liên quan đến hướng dẫn cho các doanh nghiệp. Việc này đã giúp cho doanh nghiệp bớt được thời gian và đáp ứng đầy đủ các thủ tục liên quan đến hồ sơ, do đó vốn về với doanh nghiệp một cách nhanh nhất, kịp thời nhất.

Bên cạnh đó, các hội viên hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng cũng đã đưa ra nhiều gói sản phẩm, dịch vụ cho các doanh nghiệp khác trong Hiệp hội. Trong năm vừa qua, Hiệp hội đã giải ngân được khoảng 2 nghìn tỷ, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp rất tốt. 

Thứ 2, Hiệp hội đã triển khai nhiều hoạt động giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường. Đối với thị trường nội địa, Hiệp hội đẩy mạnh chương trình đưa hàng từ Thủ đô về nông thôn ở các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó Hiệp hội cũng tổ chức nhiều diễn đàn xúc tiến thương mại nội khối dành cho các hội viên của hiệp hội qua đó tạo ra nhiều cơ hội giao thương, hợp tác trực tiếp giữa các hội viên…Các hoạt động này đã góp phần hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế.

 

Tại thị trường nước ngoài, Hiệp hội phối hợp với Sở Công thương, các trung tâm xúc tiến thương mại, trung tâm dịch vụ đối ngoại tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi tham dự các hội nghị, hội thảo, đi khảo sát các thị trường truyền thống cũng như các thị trường mới. Trong năm vừa qua, đã có hơn 200 lượt doanh nghiệp được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tới các nước. Hiệp hội cũng tổ chức cho nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Thủ đô nghiên cứu thị trường, tìm kiếm cơ hội buôn bán, đầu tư.


Hiệp hội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường

Thứ 3, Hiệp hội hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc giải đáp các vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính. Năm vừa qua, Hiệp hội đã mời các bộ ngành liên quan để đối thoại và kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp như các vướng mắc về thuế, các thông tư, đặc biệt là thông tư 44 liên quan đến nhập khẩu thép. Cụ thể như những vướng mắc của doanh nghiệp nhập khẩu thép đã được Hiệp hội trình lên UBND TP Hà Nội, đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ giảm các thủ tục hành chính và một số mặt hàng thép không gỉ. Hiệp hội cũng phối hợp với các đơn vị thành phố hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục để giảm tiền thuế đất cho các doanh nghiệp theo quy định của nhà nước, phối hợp cùng các sở, ban ngành thực hiện hướng dẫn các doanh nghiệp thụ hưởng quyết định về hỗ trợ lãi suất vốn vay, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư…

 

Để chuẩn bị hành trang cho các doanh nghiệp bước vào hội nhập khu vực và thế giới, Hiệp hội đã tổ chức nhiều khoá đào tạo ngắn và dài hạn cho các doanh nhân tìm hiểu về thị trường, luật pháp, thông lệ quốc tế. Hiệp hội cũng tư vấn được nhiều vụ việc về các vấn đề chính sách pháp luật Nhà nước, tư vấn kinh doanh, đầu tư; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc trong thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp thông tin về chính sách, định hướng thị trường các nước.

 - Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại và hiện đang tham gia đàm phán để tiến tới ký kết nhiều hiệp định quan trọng khác. Điều này mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào về việc tiếp cận, nắm bắt thông tin về các hiệp định thương mại, các thị trường mới của các doanh nghiệp trong Hiệp hội?

Trong những năm gần đây, ngoài việc các bộ ban ngành, lãnh đạo thành phố, các sở cũng như các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về các hiệp định thương mại, rỡ bỏ hàng rào thuế quan…thì bản thân Hiệp hội cũng cử bộ phận pháp chế nghiên cứu sâu hơn các quy định về mặt pháp lý, nghiên cứu cả nét văn hóa, kinh tế, chính trị của những nước mà hội viên Hiệp hội chuẩn bị hợp tác. Ngoài việc cho bộ phận pháp chế nghiên cứu thì Hiệp hội còn phối hợp với Sở kế hoạch và Đầu tư tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo, mời các chuyên gia của các nước mà doanh nghiệp chuẩn bị thâm nhập thị trường để chia sẻ các kinh nghiệm cho các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về đối tác như mẫu mã, chủng loại, giá cả…

Ngoài ra, tự thân doanh nghiệp cũng tham gia đi khảo sát, tìm hiểu thị trường các nước mà doanh nghiệp đang quan tâm. Tuy nhiên doanh nghiệp rất cần sự đồng hành cũng như kề vai sát cánh hơn nữa từ các cơ quan nhà nước, từ các bộ, ban ngành, sở. Hiệp hội nhận thấy trong 2 năm vừa qua các ban ngành đã chuyển từ vai trò quản lý sang vai trò đồng hành nên đã thấu hiểu và dễ chia sẻ hơn đối với các khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải.

- Xin cảm ơn ông!

Hồ Hường thực hiện

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)