Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Lý do giá gạo thế giới “đột ngột” tăng trở lại

Thứ sáu, 24-11-2023 | 10:50:00 AM GMT+7 Bản in
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan và Pakistan đã tiến dần về mốc 600 USD/tấn, riêng gạo Việt Nam dù giảm nhẹ 5 USD nhưng vẫn có giá gần 660 USD/tấn.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo thế giới từ đầu tuần tới nay đã liên tục được điều chỉnh tăng. Trong đó, gạo Thái Lan tăng khoảng 12 USD/tấn (nếu tính cả tuần trước thì giá gạo Thái Lan tăng khoảng 25 USD/tấn), còn gạo của Pakistan tăng từ 15-17 USD/tấn và trong vòng 2 tuần nay giá gạo Pakistan cũng tăng khoảng 25 USD/tấn. Riêng giá gạo Việt Nam sau phiên điều chỉnh tăng 10 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 21/11 đã giảm nhẹ 5 USD/tấn nhưng vẫn ở mức cao.

Tới nay, theo VFA, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện có giá 658 USD/tấn - tiếp tục duy trì vị trí ngôi đầu, gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan đứng vị trí thứ hai với mức giá 590 USD/tấn và gạo của Pakistan có giá 583 USD/tấn.

Ngoài ra, các chủng loại gạo ở phân khúc 25% tấm và 100% tấm của Thái Lan, Pakistan cũng tăng mạnh. Hiện gạo 25% tấm của Thái Lan ở mức 546 USD/tấn, còn gạo 100% tấm cũng tăng lên mức 478 USD/tấn; tương tự gạo 25% tấm của Pakistan là 503 USD/tấn và 100% tấm ở mức 468 USD/tấn.

Nhu cầu gạo thế giới cao đẩy giá gạo trong nước tăng

Việc giá gạo “nóng” trở lại sau thời gian giảm sâu có thể xuất phát từ nguyên nhân các quốc gia trên thế giới vẫn có nhu cầu mua gạo cao. Cụ thể, mới đây, Brazil đã đạt thỏa thuận mua 60.000 tấn gạo từ Thái Lan. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Philippines mới đây đã yêu cầu thương nhân nhập khẩu thêm 1 triệu tấn gạo trong 30 ngày, để tăng nguồn cung trong nước và kiểm soát giá của mặt hàng chủ lực quốc gia. Đáng chú ý, lượng gạo nhập khẩu này được trông đợi sẽ đến từ nguồn cung của Việt Nam và Thái Lan.

Một thông tin đáng chú ý khác, theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong năm 2024, Indonesia và Nigeria sẽ nằm trong nhóm những nước mua gạo lớn nhất thế giới với sản lượng dự kiến khoảng 2 triệu tấn.

Đối với các nước cung cấp lương thực hàng đầu hiện nay là Thái Lan đã ban hành chính sách hỗ trợ tạm trữ lúa ít nhất 5 tháng với sản lượng ước tính trên 3 triệu tấn. Điều này góp phần làm hạn chế nguồn cung, thúc đẩy tâm lý trì hoãn của người bán còn người mua sẽ muốn giao dịch tích cực hơn. Trong khi đó, Ấn Độ lại đang bị tác động tiêu cực từ hiện tượng El Nino, dẫn tới năng suất và sản lượng lương thực giảm nên có thể sẽ kéo dài các chính sách hạn chế xuất khẩu gạo đến hết năm 2024.

Theo Ngọc Thùy (Báo Công Thương)
https://congthuong.vn/ly-do-gia-gao-the-gioi-dot-ngot-tang-tro-lai-287435.html

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)